Thăng tiến luôn là mục tiêu mà ai cũng nỗ lực phấn đấu để đạt được trong sự nghiệp của mình. Nhưng liệu việc thăng tiến có thật sự lí tưởng và tuyệt vời như ta vẫn thường nghĩ? Đời không như là mơ! Để bình tĩnh lèo lái con thuyền sự nghiệp vượt qua phong ba bão táp khi vừa thăng tiến, bạn hãy lưu ý tránh vấp phải ngay 4 loại “bẫy nguy hiểm” dưới đây.
“Đứng núi này trông núi nọ”
Đây là bệnh thường gặp khi bạn vừa thăng chức. Những nhà tuyển dụng khác sẽ bắt đầu “rục rịch” tìm đến bạn. Có thể bạn hoàn toàn không có ý định nhảy việc vào thời điểm vừa thăng chức, nhưng những cơ hội và điều kiện hấp dẫn mời gọi từ các công ty khác sẽ làm bạn xao nhãng khỏi vị trí mới mẻ hiện tại. Đừng quên rằng người tiến cử bạn hoặc nhà lãnh đạo đã đặt niềm tin lên bạn khi đặt bạn vào vị trí này. Hãy tập trung toàn bộ năng lực và trách nhiệm của bạn lên chức vụ mới thay vì tìm hiểu về các cơ hội bên ngoài. Trong ít nhất là 6 tháng, bạn hãy nỗ lực hết sức để chứng minh với sếp rằng quyết định tiến cử bạn là một sự lựa chọn sáng suốt. Nếu sau thời gian đó mà bạn thấy vị trí này không phù hợp với mình thì việc bắt đầu tìm kiếm một công việc mới vẫn chưa hẳn là quá muộn màng.
“Tạm biệt công việc cũ thời chưa thăng quan tiến chức”
Vị trí nào cũng cần một khoảng thời gian dài để bạn thích nghi và tập làm quen với nó. Ở những cương vị càng cao thì quyền hạn và trách nhiệm của bạn lại càng lớn. Có những công việc đòi hỏi một quá trình học tập lâu dài mà không phải bạn có thể “vào guồng” ngay chỉ sau vài ngày. Đó là lí do bạn đừng vội nói lời chia tay ngay với những công việc cũ mà bạn vốn đã quen tay hay làm khi chưa thăng chức. Nhiều nơi thường yêu cầu bạn tiếp tục làm những việc cũ và song song đó là tăng cường quan sát, học tập nhiều hơn để chuẩn bị cho cương vị mới. Bạn có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn của công ty hoặc nơi bên ngoài có liên quan đến chức vụ mới, tham khảo kinh nghiệm chuyển giao từ người tiền nhiệm,… Tất cả những điều này đòi hỏi một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Nếu bạn là một người học hỏi nhanh, việc làm quen với chức vụ mới không tốn quá nhiều thời gian của bạn. Nhưng nếu bạn cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng lâu dài, thì việc kết hợp giữa công việc cũ và đi những bước đầu cho việc mới là điều cần thiết. Nhiệm vụ cũ sẽ là bài học kinh nghiệm để bạn bắt đầu hành trình mới. Vì vậy, đừng lầm tưởng rằng bạn có thể “dứt áo ra đi” ngay khi vừa được thăng tiến.
“Tôi là nhân tố quyết định của nhóm/công ty này”
Dĩ nhiên bạn đã thể hiện rất tốt, đạt được kết quả xuất sắc mới có thể được ban lãnh đạo tín nhiệm đưa bạn vào cương vị mới này. Tuy nhiên, đừng để sự kiêu ngạo chiếm lĩnh con người bạn! Một trong những chiếc bẫy nguy hiểm nhất của việc thăng tiến đó chính là kiêu ngạo. Bạn bắt đầu sẽ cảm thấy mình là nhân vật quan trọng, nắm giữ “chìa khóa” quyết định cho hoạt động của nhóm hoặc công ty. Bạn đặt mình là trung tâm thay vì liên kết tất cả mọi thành viên lại. Thái độ tiêu cực này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa bạn và các đồng nghiệp, cũng như tạo nên hình tượng xấu trong mắt nhà lãnh đạo. Đôi khi, bạn sẽ quá chủ quan vào năng lực của mình và hoạt động kém hiệu quả hơn cả thời còn chưa thăng tiến. Thay vào đó, hãy khiêm tốn học hỏi từ người đi trước và đồng nghiệp xung quanh. Đây không chỉ là bí quyết thành công mà còn là chìa khóa nắm giữ lòng tin của mọi người.
“Lương tăng thì mức sống cũng tăng”
Việc thăng tiến thường đi kèm với quyền lợi cao hơn, mức lương hấp dẫn hơn hoặc điều kiện thưởng tốt hơn. Bạn hoàn toàn có thể ăn mừng điều này bằng cách tự thưởng cho mình một chuyến du lịch, một món quà giá trị hoặc mời bạn bè dự tiệc. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc tiết kiệm sau đó luôn là điều cần thiết. Việc nhận mức lương cao hơn đồng nghĩa với việc bạn sẽ mặc định cho phép mình tiêu xài nhiều hơn. Đôi khi, chức vụ mới còn đòi hỏi bạn phải tiếp xúc và quan hệ với nhiều người có mức sống cao hơn. Điều này rất dễ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn. Hãy là một người trưởng thành có trách nhiệm và đảm bảo rằng bạn đã để dành một khoản tương đối để phòng trường hợp khẩn cấp. Cho dù mức lương hoặc thu nhập của bạn là bao nhiêu, bạn càng tiết kiệm sớm thì sẽ càng tốt cho tương lai sau này. Bên cạnh đó, bạn sẽ rất tự hào về bản thân khi nhìn lại số tiền mà mình đã dành dụm được.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.