Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đồng thời tạo nên giá trị tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích.
Tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của một công ty. Một trong những vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp là thúc đẩy việc giữ chân nhân viên. Một công ty có nền văn hóa tuyệt vời không chỉ thu hút được những nhân tài giỏi nhất trong ngành, mà còn giữ được nhân viên làm việc lâu dài. Nhân viên yêu thích những công ty thúc đẩy sự phát triển của họ và cung cấp một môi trường làm việc tuyệt vời. Khuyến khích giao tiếp cởi mở và gắn kết cũng sẽ làm cho nhân viên cảm thấy có giá trị và được đánh giá cao.
Thêm vào đó, văn hoá doanh nghiệp giúp công ty tạo nên thương hiệu, thu hút và giữ chân khách hàng. Văn hóa công ty liên quan mật thiết đến cách một doanh nghiệp thực hiện các giao dịch bên ngoài và kết nối với khách hàng. Điều đó thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng với khách hàng và các bên liên quan khác.
Bốn kiểu mô hình văn hoá doanh nghiệp
Mô hình văn hóa sáng tạo
Mang đến cho khách hàng sản phẩm và dịch vụ chất lượng là điều mà các doanh nghiệp sở hữu mô hình văn hóa sáng tạo hướng tới. Ban lãnh đạo trong những doanh nghiệp này thường định hướng làm việc với tư duy tiến bộ, sẵn sàng đương đầu với rủi ro. Nhân viên được thỏa sức sáng tạo tự do, không ngừng học tập, đổi mới để phát huy tối đa năng lực của bản thân nên môi trường làm việc đôi khi nhiều áp lực và có tính cạnh tranh cao.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực Marketing, công nghệ thường áp dụng mô hình văn hóa sáng tạo bởi cấu trúc đơn giản, không áp lực về hệ thống thứ bậc, đặc biệt là ưu tiên sự sáng tạo và đổi mới. Do đó, mô hình văn hóa sáng tạo được đánh giá là một trong những loại hình văn hóa doanh nghiệp phổ biến rộng rãi trong tương lai.
Mô hình văn hoá gia đình
Điểm đặc biệt của văn hóa doanh nghiệp thuộc mô hình gia đình là môi trường làm việc thân thiện, nhấn mạnh đến sự đồng thuận và thúc đẩy hoạt động làm việc nhóm của nhân viên. Do đó, đây là mô hình có tính hợp tác cao, ít cạnh tranh nhất trong bốn loại hình văn hóa doanh nghiệp.
Mô hình văn hóa gia đình có tính khép kín, phù hợp với công ty có quy mô nhỏ. Người lãnh đạo như chủ gia đình với trách nhiệm chăm lo cho các thành viên và đòi hỏi sự trung thành đến từ mọi người. Nhân viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm thường nắm các vị trí quản lý then chốt, đồng thời có quyền hành nhất định trong tổ chức đó.
Mô hình văn hoá thứ bậc
Văn hóa thứ bậc được thể hiện rõ qua việc áp dụng quy trình làm việc vào quá trình hoạt động và định hướng để phát triển cho doanh nghiệp. Các tổ chức vận hành công ty trơn tru nhằm hướng đến sự ổn định về lâu dài. Mọi công việc đều được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống thứ bậc, nhân viên có trách nhiệm tuân theo chỉ đạo của lãnh đạo. Đây là mô hình quản lý phổ biến ở cơ quan nhà nước, nhà máy, bệnh viện với nhiều cấp quản lý theo dõi và giám sát.
Mô hình văn hoá thị trường
Giá trị cốt lõi của mô hình này chính là hoàn thành công việc với kết quả tốt nhất. Mọi nhân sự đều hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của mình với công việc và tổ chức, do đó họ sẽ cống hiến hết mình để đạt được mục tiêu đặt ra.
Mô hình văn hóa thị trường phù hợp với doanh nghiệp có đội ngũ làm việc theo nhóm hoặc dự án mang tính tạm thời. Bởi vậy, nhiều thành viên sẽ ngừng kết nối và giảm tương tác với đồng nghiệp mỗi khi có một dự án kết thúc.
Kết luận
Trong thế giới kinh doanh hiện nay, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng và phát triển một công ty thành công. Không chỉ định hướng cho nhân viên về các giá trị và phương pháp làm việc, văn hóa doanh nghiệp còn giúp thể hiện bản sắc của công ty trong mắt các ứng viên.
Mỗi công ty có những kiểu văn hóa doanh nghiệp khác nhau, mỗi kiểu văn hoá đều sẽ có những đặc trưng riêng mà ứng viên cần tìm hiểu kỹ trước khi gia nhập để tránh xung đột văn hoá, quan điểm dẫn đến những kết quả không mong muốn.
>>Xem thêm: Tiết kiệm ngân sách tuyển dụng: tinh gọn quy trình, vẫn có “profile” lung linh
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.