Gần cuối buổi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường sẽ đặt ra câu hỏi “Anh/chị có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”. Thay vì lúng túng và trả lời “Không, tôi không có câu hỏi nào cả”, bạn hãy tận dụng cơ hội vàng này để tìm hiểu kỹ hơn về công việc và môi trường làm việc mới của mình. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng còn đánh giá cao năng lực của bạn đấy.
1. Trách nhiệm chính của bạn đối với vị trí này?
Đây là câu hỏi bạn bắt buộc phải đặt ra cho nhà tuyển dụng khi phỏng vấn ứng tuyển công việc mới. Mặc dù có thể các thông tin này đã được nêu trong bảng mô tả công việc nhưng bạn cần đặt câu hỏi để nhà tuyển dụng có thể mô tả chi tiết hơn nhằm giúp bạn có đầy đủ thông tin và hình dung được công việc sắp tới của mình. Bởi đa phần các bảng mô tả công việc chỉ nêu một cách chung chung mà không khái quát chi tiết công việc thực tế của nhân sự.
Những nội dung này đặc biệt quan trọng vì đó sẽ là trách nhiệm đồng thời là nghĩa vụ mà bạn sẽ phải thực hiện trong quá trình làm việc. Nếu không nắm rõ, bạn sẽ rất dễ bỡ ngỡ khi mới đầu nhận việc. Chính vì vậy đừng ngại thắc mắc, đặt ra câu hỏi để được nhà tuyển dụng chia sẻ cho bạn thông tin hữu ích.
2. Đâu là thước đo đánh giá chất lượng công việc này?
Mỗi lĩnh vực ngành nghề và vị trí công việc luôn có những thước đo cụ thể nhằm theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng công việc hàng ngày, hàng tháng và hàng quí. Đây là yếu tố quyết định năng lực của bạn có đạt hay không và theo đó là những chế độ thưởng hoặc lương KPI đi kèm.
Ngay từ trong buổi phỏng vấn, bạn cần được phổ biến về chỉ số đo lường hiệu suất, hiệu quả công việc (KPIs) cụ thể của doanh nghiệp. Nếu không được phổ biến, bạn hãy chủ động đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng. Những chỉ số này sẽ giúp bạn hình dung phương hướng phát triển, tính chất chiến lược cũng như những yếu tố công việc đòi hỏi, từ đó đánh giá khách quan khả năng cá nhân có thể đáp ứng được hay không.
3. Môi trường và văn hóa làm việc tại doanh nghiệp như thế nào?
Khi có kinh nghiệm làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, bạn sẽ nhìn nhận toàn diện về tầm quan trọng của môi trường và văn hóa làm việc cũng vô cùng quan trọng trong việc gia tăng sự gắn kết lâu dài của bạn với doanh nghiệp đó.
Môi trường làm việc về cơ sở sở vật chất, trang thiết bị cũng như mức độ gắn kết của nhân viên trong bộ phận và toàn công ty sẽ tạo hứng khởi mỗi ngày cho nhân sự tại doanh nghiệp. Bạn sẽ chẳng thể nào làm việc thoải mái tại một môi trường mà đồng nghiệp thường xuyên soi mói, nói xấu lẫn nhau. Ngược lại, một môi trường năng động và đoàn kết sẽ là động lực to lớn để nhân sự cống hiến và gắn bó lâu dài.
Việc hiểu rõ các yếu tố ngoài chuyên môn sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp, trước khi quyết định ký hợp đồng chính thức.
4. Cơ hội thăng tiến của bạn trong tương lai sẽ như thế nào?
Cơ hội thăng tiến cũng là một trong những câu cần hỏi quan trọng khi tham gia phỏng vấn. Một doanh nghiệp lý tưởng và tiềm năng sẽ mang đến cho nhân viên một lộ trình phát triển và thăng tiến rõ ràng. Tất nhiên, khi bạn đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng có trách nhiệm cũng không ngần ngại mà chia sẻ với bạn về những cơ hội, thách thức mà bạn phải trải qua để có bước tiến thân trong tương lai.
Câu hỏi này cũng là cơ hội để bạn nhìn nhận và hoạch định phương hướng phát triển sự nghiệp, đánh giá liệu đây có phải là môi trường phù hợp để lựa chọn cho bước phát triển sự nghiệp lâu dài hay không. Bên cạnh đó, khi bạn đặt ra câu hỏi này, người phỏng vấn cũng sẽ thấy rõ sự nghiêm túc và định hướng làm việc lâu dài của bạn.
Mỗi một câu hỏi ý nghĩa và khéo léo bạn đặt ra cho nhà tuyển dụng đều không chỉ giúp bạn thu về khối lượng thông tin hữu ích mà còn khiến nhà tuyển dụng đánh giá cao sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của bạn trong quá trình phỏng vấn. Hy vọng 4 gợi ý về câu hỏi đặt ra cho nhà tuyển dụng trên đã giúp bạn hình dung mình cần lắng nghe và đặt câu hỏi như thế nào khi đối diện với nhà tuyển dụng.
>>> Xem thêm: 4 dấu hiệu giúp bạn nhận biết ” văn hóa độc hại” ngay từ vòng phỏng vấn
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.