Tầm quan trọng của năng lực lãnh đạo đối với hiệu quả của doanh nghiệp là điều đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh cách định nghĩa và đo lường hiệu quả lãnh đạo, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi mà các tập đoàn đa quốc gia thường xuyên luân chuyển quản lý và lãnh đạo của họ từ nước này qua nước khác.
Câu hỏi được đặt ra là liệu có khác biệt trong quan điểm về lãnh đạo hiệu quả giữa các quốc gia và nền văn hóa không? Và có một hình mẫu chung mô tả một nhà lãnh đạo hoặc quản lý xuất sắc trên toàn cầu hay không?
Tương đồng hay khác biệt?
Để trả lời cho những câu hỏi trên, TRG Talent đã thu thập và phân tích dữ liệu của hơn 3.600 người từ 4 quốc gia (Việt Nam, Na Uy, Rumani và Philippines) bằng Hệ thống phản hồi 360°. Hệ thống này sử dụng phản hồi không chỉ từ chính bản thân các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp mà còn từ những nhóm đối tượng có cơ hội quan sát hành vi của quản lý, lãnh đạo trong môi trường công việc.
Tổng cộng có 419 nhà quản lý, 1.340 cấp dưới trực tiếp, 1.383 đồng cấp và 332 người khác tham gia khảo sát. Những người này được yêu cầu chọn ra 6 trong tổng số 18 nhóm kỹ năng lãnh đạo và quản lý mà họ cho là quan trọng nhất. Kết quả tóm lược của từng quốc gia được trình bày trong bảng dưới đây. Bạn cũng có thể tải kết quả chi tiết tại đây.
Kết quả cho thấy có đến 3 kỹ năng xuất hiện trong cả bốn danh sách, 4 kỹ năng xuất hiện ít nhất hai lần. Nói cách khác, có 50% số kỹ năng được bốn quốc gia chọn trùng nhau. Kết quả này cho thấy có sự tương đồng cao trong nhận định về thế nào là quản lý và lãnh đạo xuất sắc trên thế giới, không phân biệt quốc gia và văn hóa.
Hình mẫu lãnh đạo & quản lý doanh nghiệp xuất sắc toàn cầu
3 kỹ năng xuất hiện trong cả bốn danh sách là “Hỗ trợ cho thành công của nhóm”, “Truyền đạt hiệu quả” và “Đạt kết quả”. Có thể nói đây là những đặc điểm quan trọng nhất tạo nên lãnh đạo và quản lý xuất sắc.
Kỹ năng “Truyền đạt hiệu quả” được định nghĩa là khả năng diễn đạt rõ ràng trong cả văn nói và văn viết. Người sở hữu kỹ năng này phải sẵn sàng chia sẻ thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng, súc tích và thẳng thắn. Có lẽ không ai ngạc nhiên khi biết giao tiếp là yếu tố chủ chốt quyết định thành công trong công việc. Đối với các nhà lãnh đạo, giao tiếp còn quan trọng hơn nữa vì nó là cầu nối trong tập thể và thúc đẩy mọi người nỗ lực cùng phấn đấu đạt mục tiêu.
“Hỗ trợ cho thành công của nhóm” cũng là kỹ năng cũng được xem là thiết yếu ở cả bốn nước. Khi nhóm đã trở thành một phần không thể thiếu tạo nên thành công của doanh nghiệp ngày nay, kỹ năng quản lý nhóm trở nên có tầm quan trọng ngang, thậm chí là hơn, kỹ năng quản lý cá nhân.
Nói cách khác, các quản lý và lãnh đạo cần phải là những đồng đội nhóm xuất sắc vì không ai có thể một mình xây dựng và vận hành doanh nghiệp thành công được. Do đó, quản lý và lãnh đạo cần phải có khả năng giải quyết mâu thuẫn một cách công bằng, tạo sự đoàn kết và lãnh đạo nhóm xây dựng mục tiêu phù hợp. Ngoài ra họ còn cần phải biết cách tuyển chọn người hiệu quả và phát huy năng lực cũng như kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm.
Như người xưa vẫn nói: “Nói ít làm nhiều”, kỹ năng cuối cùng được cả bốn nước chọn làm kỹ năng thiết yếu là “Đạt kết quả”. Rõ ràng là những quản lý và lãnh đạo có xu hướng chú trọng vào kết quả đều được đánh giá cao trên toàn cầu. Khả năng vượt qua trở ngại để đạt được những kết quả có ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ tổ chức chính là điều tạo nên sự khác biệt ở những lãnh đạo xuất sắc. Quan trọng hơn, họ không chỉ đạt được kết quả mà những kết quả đó còn làm chuẩn mực học hỏi cho người khác.
Như vậy, nếu một quản lý có năng lực vượt trội đối với 3 kỹ năng trên thì sẽ có nhiều khả năng thành công trong môi trường làm việc quốc tế, bất kể sự khác biệt về văn hóa và biên giới quốc gia.
Bạn có thể tải báo cáo chi tiết về kết quả của nghiên cứu này tại đây.
– Huy Trần, Talent Management Manager / TRG Talent –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.