Bạn đã bao giờ nghĩ rằng, có thể bạn đã gắn bó với công ty hiện tại một thời gian đủ lâu? Bạn nên nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội hay vị trí mới tốt hơn? Dù lý do của bạn là gì đi chăng nữa thì có một điều chắc chắn rằng, thay đổi không phải là điều dễ dàng. Nhưng trong sâu thẳm, có lẽ bạn biết cho dù có cố níu kéo, mọi thứ cũng sẽ chẳng bao giờ trở nên tốt đẹp hơn.
Vì vậy, bài viết này ở đây nhằm chỉ ra cho bạn ba dấu hiệu rõ ràng của một công việc tệ hại và đáng bỏ đi!
Tình trạng thiên vị hoặc bè phái tại nơi làm việc
Tình trạng chia bè chia phái trong môi trường làm việc hình thành dựa trên nhiều yếu tố: thâm niên làm việc (ma cũ bắt nạt ma mới), trình độ học vấn, tính cách,… nói chung là từ bất kỳ yếu tố giáo phái phổ biến nào. Khi một cá nhân cụ thể hoặc nhóm người phải chịu nhiều thiệt thòi và thành kiến mà ít ai dám lên tiếng bênh vực, đó là dấu hiệu đầu tiên của một công việc tồi tệ.
Bạn, tôi, hay bất kỳ ai cũng xứng đáng có được cảm giác mình thuộc về công việc đó. Chúng ta luôn cảm thấy được khích lệ và đánh giá cao khi những đề xuất, ý tưởng và suy nghĩ của mình được tôn trọng lắng nghe. Và ai cũng muốn mình được là một phần, được đóng góp và hoà mình vào văn hoá của doanh nghiệp.
Bradley Owens, Giáo sư ngành đạo đức kinh doanh tại Đại học Brigham Young, cho biết: “Nhóm nhân viên được lãnh đạo bởi một người sếp khiêm tốn, tâm lý sẽ có khả năng thể hiện và làm việc tốt hơn nhóm được điều hành bởi một người sếp hách dịch, thiên vị. Khi biết nhún nhường và đoàn kết, mọi chuyện sẽ trở nên thuận lợi, thúc đẩy các mối quan hệ dựa trên niềm tin vững chắc”.
Lương tháng “đủ tiêu”
Bên cạnh những mối quan tâm về một môi trường làm việc thoải mái, yếu tố sức khoẻ (stress, kiệt sức trong công việc), ai cũng muốn đảm bảo nguồn thu nhập của mình. Tất cả đều quan trọng. Điều đáng buồn là nhiều công ty có những chính sách bóc lột sức lao động quá đáng, lợi nhuận của họ được đánh đổi bằng sức khoẻ của nhân viên.
Có thể bạn thường xuyên được yêu cầu ở lại muộn, làm tăng ca hoặc tham gia các dự án bổ sung. Tất nhiên, sau đó, bạn sẽ nhận được một khoản tiền, phần thưởng hay một số cất nhắc về tài chính khác. Nhưng đôi khi, những đồng tiền đó so với công sức bạn bỏ ra là không xứng đáng và bạn biết điều đó!
Một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng với sự cam kết đảm bảo lợi ích cho nhân viên cũng là một trong những yếu tố cần thiết hàng đầu cần phải xem xét.
Giậm chân tại chỗ
Một môi trường làm việc thất bại là nơi có lãnh đạo yếu kém ì chệ và những cá nhân hời hợt, không thực sự quan tâm đến công việc hay sự phát triển nghề nghiệp của bản thân trong tương lai. Nghiên cứu từ đại học Harvard cho thấy việc học tập có hiệu quả nhất khi mọi người hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau và tạo nên động lực cùng nhau phấn đấu.
Để phát triển, con người phải không ngừng học hỏi, biết tận dụng và biến môi trường làm việc thành môi trường học tập. Đến đây, hãy tự hỏi bản thân, công ty hiện tại có cho bạn những trải nghiệm và bài học đắt giá? Nếu câu trả lời là không, thì bạn biết phải làm gì rồi đấy, trừ khi bạn muốn bản thân cũng trở nên trì trệ và tụt lùi.
Không có công việc nào là hoàn hảo, và bản thân chúng ta cũng phải có đóng góp và cố gắng. Nhưng, đừng để cố quá thành quá cố! Một khi cảm thấy mất đi động lực và không thể tiếp tục làm việc trong môi trường hiện tại được nữa, hãy cân nhắc lựa chọn nhảy việc!
— HR Insider/ Theo cafef —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.