Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc thiếu sự chuẩn bị hoặc áp lực trong buổi phỏng vấn. Bạn sẽ mang theo hành trang gì đến gặp nhà tuyển dụng để chinh phục họ? Hãy luôn ghi nhớ rằng, những câu hỏi xuất sắc nhất phải được đúc kết từ cuộc trò chuyện giữa bạn và người tuyển dụng. Bạn có thể ghi chú nhanh những vấn đề còn thắc mắc để đặt ngay câu hỏi cho nhà tuyển dụng một cách hợp lý. Hoặc đơn giản hơn, bạn hãy suy nghĩ trước và bước vào cuộc phỏng vấn với một vài câu hỏi liên quan đến vị trí ứng tuyển để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, để kết thúc cuộc phỏng vấn một cách ấn tượng và tốt đẹp, hãy tham khảo ngay một số câu hỏi điển hình dưới đây.
Công việc này trước đây được tổ chức như thế nào?
Đây là một câu hỏi cho nhà tuyển dụng quan trọng cần được đặt ra trong buổi phỏng vấn. Bởi vì khi bạn trúng tuyển, bạn sẽ phải làm việc trong một môi trường vốn đã quen thuộc theo cách thức hoạt động của người tiền nhiệm.
Nếu như vị trí này được tạo ra để góp phần mang đến sự phát triển của công ty, hãy đặt câu hỏi tiếp theo để làm rõ người chịu trách nhiệm và nhiệm vụ này sẽ được chuyển giao đến bạn như thế nào.
Nếu như bạn được phỏng vấn vì nhân viên trước đây rời khỏi cương vị, hãy tìm cách để khám phá lí do tại sao. Liệu có phải anh/cô ấy được thăng chức hay chuyển công tác? Nếu như người trước đây rời công ty, hãy cố gắng nắm bắt được tình huống hiện tại.
Ngoài ra, hãy để việc phỏng vấn trở nên công bằng hơn bằng cách xác định rõ liệu công ty ấy có đang cân nhắc đến việc điều động nhân viên nội bộ vào vị trí này hay không.
Yếu tố nào của vị trí ứng tuyển là quan trọng nhất? Điều này ảnh hưởng đến việc quản lí như thế nào?
Đừng quên đặt ra câu hỏi này cho nhà tuyển dụng. Nó sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về công việc sắp đến và sự gắn kết của vị trí với hệ thống công ty như thế nào. Ai sẽ hỗ trợ bạn? Bạn sẽ quản lí và hướng dẫn những ai? Những kĩ năng thiết yếu nào làm nên thành công trong vị trí này?
Bạn muốn tôi hoàn thiện điều gì trong 6 tháng đầu nhận việc?
Những bản mô tả công việc thường chỉ đưa ra các nhiệm vụ thường ngày và trách nhiệm của bạn. Nếu muốn đi sâu hơn vào việc tìm hiểu vị trí này, hãy hỏi về những mong đợi thực tế từ phía nhà quản lí. Điều này sẽ giúp bạn thể hiện cuộc trò chuyện tốt hơn và xác định rằng, liệu bạn có thật sự phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Bạn đánh giá thành công của tôi như thế nào? Và tôi có thể làm gì để vượt qua cả mong đợi của bạn?
Câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định các kỳ vọng của nhà tuyển dụng theo từng khía cạnh cụ thể. Ví dụ, ngoài những kỹ năng cơ bản về giao tiếp và phân tích, vị trí này cần những yếu tố xuất sắc nào khác để bạn có thể phát huy?
Yếu tố nào của công việc này tôi cần phải học hỏi nhiều hơn nữa? Và tôi có thể làm gì để tiến bộ nhanh chóng hơn?
Đối với một số công việc đặc thù, việc học hỏi công nghệ hay quy trình làm việc của công ty chính là thử thách lớn đầu tiên khi bạn trở thành “người mới”. Với những công việc khác, thử thách này có thể đến từ việc thấu hiểu các đồng nghiệp trong công ty. Mọi hướng dẫn giúp bạn bắt kịp với nhịp điệu của công ty sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả và tốc độ hơn hẳn, đem đến lợi ích cho bạn chỉ trong vài tháng đầu tiên.
Kỳ vọng của bạn về việc quản lí tiến trình công việc như thế nào?
Mỗi công ty luôn có khối lượng công việc đủ để các nhân viên bận rộn suốt 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Trên thực tế, mọi người đều trở về nhà khi đến giờ tan làm. Làm thế nào để bạn biết rằng bạn đã hoàn thành tất cả công việc trong ngày hôm nay? Liệu công ty có mong muốn bạn phải làm việc vào cuối tuần và trả lời email ngoài giờ làm việc?
Công ty có thường xuyên nhận xét về cách thức làm việc?
Với một ứng viên, việc đặt ra câu hỏi này là điều vô cùng cần thiết. Mỗi phần thể hiện xuất sắc và sự thăng tiến là kết quả từ những nhận xét thấu đáo nhất. Liệu công ty chỉ giới hạn việc đánh giá và nhận xét hàng năm? Hay nhà tuyển dụng ưu tiên đưa ra việc đánh giá kịp thời để góp phần cải thiện hiệu quả làm việc?
Cơ hội nào để tôi học hỏi và phát triển?
Liệu công ty có cung cấp các chuyên gia hoặc cố vấn kĩ năng thường xuyên? Liệu công ty có tổ chức các khóa học hoặc khóa huấn luyện? Những doanh nghiệp lớn thường yêu thích những cá nhân mong muốn sự phát triển chuyên nghiệp. Hãy chứng tỏ cho các nhà quản lí hiểu rằng sự phát triển cá nhân là yếu tố rất quan trọng đối với bạn.
Thử thách lớn nhất trong công việc của bạn là gì? Điều gì khiến bạn yêu thích công việc này?
Có thể công việc của nhà tuyển dụng sẽ khác so với công việc của bạn. Tuy nhiên, những chia sẻ chân thành từ công việc của họ, những khó khăn họ gặp phải, những động lực thúc đẩy họ tiếp tục công việc có thể sẽ góp phần giúp bạn học hỏi, hoặc hỗ trợ bạn rất nhiều về sau này.
Bạn làm thế nào để nhận được vị trí này?
Việc hỏi những vấn đề mang tính cá nhân có thể sẽ không giúp bạn ghi điểm tốt trong cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, phần lớn các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp thường thích việc chia sẻ về con đường sự nghiệp của họ. Hãy hỏi điều làm họ hứng thú với công ty và quá trình họ xây dựng sự nghiệp tại đây.
Bạn có những công cụ hoặc nguồn lực nào để hỗ trợ công việc tốt hơn?
Khi đặt ra câu hỏi này, bạn có thể xác định vấn đề mà người quản lí đang gặp phải trong công việc của họ. Nếu như nguồn lực khan hiếm, nhà quản lí gặp phải áp lực về thời gian, kinh phí thắt chặt hay thiếu thốn nhân lực trầm trọng, rất có thể bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng tương tự khi bước vào công ty.
Ý kiến của bạn có được lắng nghe không?
Tinh thần đóng góp là một trong những chỉ số đánh giá mức độ hài lòng và hiệu suất làm việc của cả nhóm. Nếu như người quản lí của bạn cảm thấy họ luôn được lắng nghe, tôn trọng và học hỏi từ những nguồn thông tin họ cung cấp, rất có thể bạn cũng sẽ nhận được một cơ hội được chú ý như thế.
Tôi có nói điều gì làm bạn hoài nghi về sự phù hợp của tôi với vị trí này?
Câu hỏi này nếu được đưa ra vào cuối buổi phỏng vấn sẽ thật kinh khủng! Tuy nhiên, sau tất cả, bạn cần phải biết được có một lí do nào khiến nhà tuyển dụng từ chối bạn hay không. Nếu bạn có can đảm hỏi điều này, bạn có thể hiểu rõ hơn về các bước tiếp theo trong quá trình tìm việc của mình, cũng như nhận được cơ hội để “chữa cháy” cho bản thân trong lúc họ vẫn còn đặt sự chú ý lên bạn.
Sau khi đã cân nhắc kĩ một số câu hỏi cần thiết bạn sẽ đưa vào buổi phỏng vấn sắp đến, đừng quên xem qua danh sách các câu hỏi cho nhà tuyển dụng cần được đưa vào “danh sách đen” của bạn dưới đây:
Có rất nhiều thông tin về công ty bạn có thể tìm kiếm một cách đơn giản trên Google như: “Công ty của bạn làm về mảng gì?” “Đối thủ cạnh tranh là ai?”. Việc đặt những câu hỏi đơn giản như thế sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn chưa thật sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thiếu nghiêm túc khi ứng tuyển vị trí này.
Thông tin hành lang là một trong những câu hỏi cần tránh. Nếu bạn nghe được ở đâu đấy rằng công ty đang gặp vấn đề về tài chính, hãy đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng một cách khôn khéo, tránh trực tiếp thái quá. Thay vì hỏi hỏi rằng: “Tại sao bạn lại sắp sa thải 1,000 nhân viên vào tháng tới?”, hãy hỏi quan điểm của nhà tuyển dụng về vị thế của công ty trong tương lai.
Bổng lộc, lương thưởng hay thăng chức sẽ là những vấn đề được thảo luận khi nhà tuyển dụng gửi lời mời gia nhập đến bạn. Đừng vội đưa ra những câu hỏi này quá sớm để tránh làm mất điểm trong mắt họ, khiến họ nghĩ rằng bạn là một người vật chất và quá xem trọng vào vấn đề tiền bạc.
Theo dõi các email hoặc phương tiện truyền thông mạng xã hội. Hãy nghĩ rằng công ty có một công cụ có thể giám sát các kênh xã hội của bạn. Internet là một nơi lưu trữ thông tin vô cùng rộng lớn. Đó cũng là lí do bạn nên sử dụng chúng một cách an toàn và hạn chế sử dụng mạng của công ty vì điều này sẽ làm bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp.
Các câu hỏi cho nhà tuyển dụng mang tính đào sâu vào đời tư cá nhân. Điều này sẽ làm người phỏng vấn cảm thấy không thoải mái và khó chịu về bạn. Từ đó, họ sẽ sinh ra cảm giác phòng thủ mỗi khi bạn đặt ra câu hỏi.
Tìm cho mình một cơ hội phỏng vấn để áp dụng các mẹo trên ngay tại VietnamWorks!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.