Ông cha ta có câu “Thành công không đợi tuổi”, và tôi cực kỳ tin tưởng vào câu nói đấy. Tôi có thể liệt kê ra những gương mặt tiêu biểu sáng lập ra những thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu và những dịch vụ, sản phẩm ấy chúng ta vẫn sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như ông Michael Dell – Người sáng lập ra thương hiệu máy tính nức tiếng Dell ở độ tuổi 18, hoặc ông Adolf Dassler – Người gầy dựng lên nhãn hiệu đồ thể thao nhắc-đến-tên-là-ai-cũng-biết Adidas ở tuổi 48, và còn rất nhiều nhân vật xuất sắc khác mà HR Insider xin được giới thiệu dưới đây.
Vậy độ tuổi nào thích hợp để khởi nghiệp?
Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy độ tuổi 30 hoặc lớn hơn là tuổi thích hợp để khởi nghiệp vì bấy giờ bạn sẽ có những kinh nghiệm nhất định cho bản thân, những kiến thức và kỹ năng cần thiết để lãnh đạo một nhóm người và sự tự tin để nắm bắt những cơ hội và thách thức. Hơn nữa, nếu bạn tìm kiếm câu trả lời trên trang Quora nổi tiếng, bạn sẽ thấy hầu hết các đáp án nhận được nhiều sự đồng tình của mọi người là trên 30. Nhưng tôi sẽ cho bạn thấy thành công là không đợi tuổi tác bằng các minh chứng điển hình sau đây.
Dưới đây là 5 độ tuổi thành công của 100 nhà sáng lập ra các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu
“Tuổi ăn tuổi học”
Có rất nhiều thần đồng âm nhạc được phát hiện từ rất sớm ở độ tuổi này và những vận động viên dự thi tại các đấu trường quốc tế ở mức tuổi trung bình là 17. Trong thực tế cũng vậy, minh chứng thành công ở độ tuổi ăn học là Mark Zuckerberg – ông chủ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook. Anh ra mắt mạng xã hội Facebook vào năm 19 tuổi, trong ký túc xá trường Đại học danh giá Harvard.
Tuổi “một phần tư cuộc đời”
Cầm trong tay tấm bằng đại học và trên vai là những hy vọng của gia đình, bạn cảm thấy mình trưởng thành và tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Thực tế là sau hai tháng ứng tuyển và chưa kiếm được việc, bạn bắt đầu áp lực và có phần suy nghĩ tiêu cực, thậm chí cảm thấy bản thân mình vô dụng khi nghe truyền hình đưa tin một bạn trẻ nào đó nhỏ tuổi hơn mình khởi nghiệp thành công với chuỗi café nổi tiếng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đấy là một chuyện hoàn toàn bình thường vì không phải ai cũng may mắn có ngay việc làm sau khi tốt nghiệp. Bạn đừng vội vàng mà làm lỡ những hy vọng của mình, tiếp tục phấn đấu và lên kế hoạch kỹ càng cho bản thân. Biết đâu vài tháng sau, bạn là một nhà sáng lập của một nhãn hiệu nào đó như Bill Gates sáng lập ra tập đoàn Microsoft ở tuổi 20 và hiện giờ là tỷ phú giàu thứ hai thế giới.
“Tuổi băm”
Không bất ngờ gì khi phần lớn các nhà lãnh đạo của các tập đoàn danh tiếng trên thế giới nằm trong độ tuổi từ 30 đến 39. Đây là độ tuổi mà chúng ta đã có sự chín chắn và trưởng thành trong suy nghĩ, có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để bắt đầu một sự nghiệp riêng cho bản thân. Vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch gầy dựng sự nghiệp thì hãy bắt đầu từ bây giờ nhé.
Một số nhân vật điển hình đã khởi nghiệp thành công trong độ tuổi này như Erling Persson xây dựng cơ ngơi thời trang H&M vào năm 30 tuổi, Amancio Ortega – ông ra mắt thương hiệu thời trang khi ông 39 tuổi, và tính tới thời điểm hiện tại ông đang giữ vị trí tỷ phú giàu nhất thế giới theo tạp chí Forbes 2016.
Thế hệ 7x – chỉ là thành công muộn chứ không phải là bất tài
Bạn bè xung quanh bạn bây giờ đã trở thành ông này, bà nọ tại các công ty lớn, còn bạn chỉ là một nhân viên ăn lương bình thường. Lắm lúc bạn nghi ngờ vào năng lực của mình và nhiều lần đem bản thân so sánh với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, điều đó chỉ làm bạn cảm thấy áp lực hơn, chứ không hề giúp bạn tốt hơn.
Trên thực tế, có rất nhiều người có điểm xuất phát thấp nhưng lại rất thành công và minh chứng tiêu biểu thành công ở độ tuổi này là những tên tuổi nổi bật như Henry Ford – ông chủ thương hiệu xe nổi tiếng Ford ở tuổi 40, ông Asa Candler – chủ nhãn hàng nước giải khát Coca-cola vào năm 41 tuổi.
U60 – Không bao giờ là quá trễ để khởi nghiệp
Một câu hỏi được đặt ra “Nếu có cơ hội khởi nghiệp, bạn sẽ chọn độ tuổi nào để bắt đầu? 19 tuổi như Mark Zuckerberg (Facebook) hay Charles Flint – nhà sáng lập ra tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM vào năm 61 tuổi”. Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người chọn phương án đầu tiên hơn là phương án thứ hai. Tuy nhiên, sẽ không có mạng xã hội Facebook như ngày hôm nay nếu không có sự tồn tại của IBM, thậm chí ông Charles Flint còn làm việc và hưởng thụ thành quả mình tạo ra cho đến năm ông 81 tuổi. Vậy có quá trễ để khởi nghiệp? Tôi e rằng là không. Sẽ không có gì quá trễ nếu bạn không bắt tay vào làm và “trễ” chỉ xảy ra khi bạn ngại thử nghiệm.
– HR Insider / VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.