Thích nhảy việc khiến bạn thiệt thòi rất nhiều
Các bạn có biết, tuổi trẻ là giai đoạn nâng cao năng lực tối ưu với khả năng phát triển bản thân khá tốt. Tuy nhiên, thay vì tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn, lúc đó tôi lại bận rộn với những lần nhảy việc liên tục.
Đến khi nhìn lại thì tuổi trẻ đã qua gần hết mà bản thân tôi chưa đạt được gì trong sự nghiệp, lúc này đã muộn màng. Chưa kể, càng lớn tuổi càng khó xin việc. Vậy nên thay vì cứ hở chút chuyện liền đòi nhảy việc, tôi mong các bạn trẻ nên bỏ dần tính bốc đồng và ngây thơ của mình lại.
Lúc tôi ở độ tuổi 25, chỉ cần Sếp la vài câu hay công việc áp lực một chút thì liền nhảy việc. Cứ vậy đến khi ngấp nghé 30 tuổi, hành trang duy nhất của bản thân tôi chỉ là số lần nhảy việc cao, thì nguy cơ khó xin việc là lẽ tất nhiên. Chỉ cần nhìn vào CV thấy ứng viên 1 năm nhảy 3 công ty thì nhà tuyển dụng nào cũng e dè cả.
Đặc biệt, khi bạn bè đồng trang lứa đã ổn định sự nghiệp với vị trí chuyên viên, trưởng phòng… thì tôi đến cả kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong một lĩnh vực còn chưa đủ. Lúc này hối hận cũng đã muộn màng…
Tư duy sai lầm: “Mình còn trẻ, còn nhiều thời gian”
Có phải các bạn cũng đang có suy nghĩ này không? Lúc trẻ tôi cũng vậy. Mình còn trẻ mà, còn nhiều thời gian thì cứ thoải mái nhảy việc thôi. Nhưng tôi không tư duy rộng hơn rằng, vài năm nữa có thể mình sẽ kết hôn. Lúc này cơ hội việc làm sẽ thua xa các bạn trẻ mới ra trường còn độc thân.
Nếu lúc ấy tôi chỉ dành vài năm ngắn để tìm việc và chọn cho mình công việc phù hợp nhất để tập trung bồi dưỡng nâng cao, thì giờ mọi chuyện đã khác. Nhảy việc hoài khiến tôi khó có kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực. Các bạn có biết, để hiểu một ngành cũng phải mất ít nhất 5 năm trời rồi.
Vậy nên đừng ỷ lại vào tư duy còn trẻ còn nhiều thời gian nữa. Dành vài năm đầu tìm cho mình một công việc phù hợp nhất và sau đó tập trung nâng cao năng lực chuyên sâu các bạn nhé.
Kiểm soát cảm xúc, hạ cái tôi
Lúc còn trẻ cái tôi của tôi rất cao. Chỉ cần bị Sếp phê bình và cảm nhận công ty không nhận ra giá trị bản thân là tôi cảm thấy tức tối vô cùng. Mỗi lần cảm xúc bị tác động tiêu cực như vậy, tôi liền nhảy việc.
Mãi sau này tôi mới hiểu, trí tuệ cảm xúc không do người khác gây ra. Mà do chính bản thân tôi! Do chính tôi bốc đồng, chính tôi không kiểm soát được cảm xúc, chính cảm xúc của tôi bất ổn… Chứ chẳng phải do đồng nghiệp, do Sếp, do công ty, do khách hàng… gây ra. Vậy nên hãy tập kiểm soát cảm xúc bản thân và hạ cái tôi của mình xuống các bạn trẻ nhé.
Đừng “đứng núi này trông núi nọ”
Chỉ cần thấy công ty nọ tuyển dụng lương hấp dẫn hơn, nghe công ty kia có công việc ngon hơn… là tôi lại nhảy việc. Mà tôi không hề biết rằng công việc hiện tại mình đang làm là chọn lựa tốt nhất, phù hợp nhất với năng lực hiện tại của tôi. Tôi không nhớ rằng mình đã tìm việc lâu thế nào mới quyết định chọn công việc này.
Vậy nên đừng nhàm chán với công việc hiện tại, đừng vạch lá tìm sâu để kiếm cớ nhảy việc nữa. Thay vào đó nên tập trung nâng cao năng lực nếu muốn tìm được công việc tốt hơn hiện tại.
Tránh gây thù công ty cũ, nói xấu Sếp cũ
Cũ thì thôi, gây thù làm gì, nói xấu Sếp làm chi nữa. Điều này chỉ khiến tâm trạng bạn tiêu cực hơn và khiến mọi người có cái nhìn không tốt về bạn mà thôi. Lúc trẻ tôi cũng vậy!
Mỗi lần bị Sếp la, tôi thường kể xấu Sếp với bạn bè. Mỗi lần công ty gây áp lực công việc, tôi thường phốt lên mạng xã hội… Mà không nhận ra điều này khiến các nhà tuyển dụng khác e dè hơn khi muốn nhận tôi vào làm việc.
Lòng biết ơn
Thay vì than trách công ty này nọ, bạn nên biết ơn công ty đã chọn bạn giữa muôn vàn ứng viên thất nghiệp ngoài kia. Lúc trước tôi may mắn gặp được vị Sếp tốt mà tôi lại không biết trân trọng.
Sếp lúc nào cũng dẫn tôi đi cùng trong các buổi gặp mặt đối tác. Sếp bảo muốn tạo dựng mối quan hệ công việc tốt cho tôi, giúp tôi trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp. Những buổi hội nghị lớn hay những khóa đào tạo nâng cao… Sếp cũng đề cử tôi tham gia. Các chuyến công tác đều được Sếp đặt dịch vụ cao cấp nhất từ khách sạn đến taxi, nhà hàng…
Vậy mà thay vì biết ơn, tôi chỉ nhìn vào những điều công ty chưa đáp ứng tốt cho mình. Thế là lại nhảy việc. Mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được vị Sếp nào tốt như Sếp cũ của tôi cả. Vậy nên các bạn trẻ hãy nhìn vào những điều công ty đã làm cho bạn để biết ơn nhé.
Trên đây là 6 bài học xương máu tôi muốn khuyên các bạn trẻ giống tôi đã từng. Đừng hở chút liền đòi OUT thì bạn sẽ “bay màu” rất nhanh đấy. Hy vọng những chia sẻ của tôi hữu ích với các bạn, nhất là những bạn trẻ ưa nhảy việc.
Xem thêm: Newbie thích Content thì nên chọn theo hướng nào?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.